TRUYỀN THUYẾT VỀ GẠO LONG TRÌ NỨC LÒNG NGƯỜI
Long Trì trước đây thuộc xã Đạo Tú, nay thuộc thị trấn Hợp Hòa – huyện Tam Dương – tỉnh Vĩnh Phúc. Long là rồng, Trì là ao, Long Trì có nghĩa là Ao Rồng. Từ xa xưa đã lưu truyền một câu chuyện mà ngày nay người dân vẫn hay kể lại rằng: Dãy núi dài hơn 3km của thôn Long Trì chính là hóa thân của một con rồng mà phần đuôi hiện thuộc địa phận thôn Long Sơn – xã Đạo Tú, còn phần đầu chính là thôn Long Trì. Rồng uốn mình hướng về phía người dân sinh sống, mang đến mưa thuận gió hòa và điều kiện đất đai, thổ nhưỡng bán sơn địa riêng biệt tạo ra môi trường lý tưởng để canh tác cây lúa nước. Thiên nhiên đã ưu đãi con người và con người rất biết nương tựa vào thiên nhiên. Sự kết hợp hài hòa đó đã tạo nên một thương hiệu gạo nức danh, thể hiện qua câu nói: “Dứa Hướng Đạo, gạo Long Trì”. Dứa Hướng Đạo nổi tiếng thơm ngon, gạo Long Trì nức danh nhiều chốn đến mức vua Bảo Đại còn cho người về tận nơi để mua.
Trước đây người dân Long Trì cấy khá nhiều giống lúa như: lúa câu, lúa dé, lúa ri, lúa dảnh, lúa tám, nhưng ngon hơn cả vẫn là lúa câu. Lúa câu thu hoạch trước các loại lúa khác, người dân Long Trì thường dùng cơm gạo lúa câu để cúng cơm mới trước mỗi vụ thu hoạch, tạ ơn thần linh mang đến cho một mùa màng bội thu. Gạo câu ăn với cá ở đền Bạch Trì (Ao Bạch) là thứ đặc sản của đồng quê mà bất cứ ai đến với Long Trì đều muốn thưởng thức. Tuy nhiên hầu hết các giống lúa trên đều dài ngày, năng suất thấp chỉ độ 60-70 kg/sào Bắc Bộ, nên từ những năm 70 của thế kỷ XX không được đầu tư canh tác dẫn đến mai một dần. Dân sở tại chuyển sang cấy những giống lúa thông thường như: Nông nghiệp 8, Mộc Tuyền, Khang Dân, Q5, X21, … Nhưng dù trồng giống gì, gạo Long Trì vẫn ngon hơn nơi khác vài bậc vì có điều kiện thổ nhưỡng, tiểu khí hậu đặc biệt, điều này đã được Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) xác minh.
Cùng với nhu cầu ngày một cao của cuộc sống, con người muốn ăn ngon hơn, mặc đẹp hơn. Những hộ nông dân tâm huyết của vùng quê lúa Long Trì đã khôi phục vùng trồng lúa đặc sản. Từ năm 2006 đến nay, được sự giúp đỡ của Sở KH&CN Vĩnh Phúc và Cục sở hữu trí tuệ – Bộ KH&CN, Hội đồng KH&CN huyện Tam Dương xây dựng thành công thương hiệu gạo Long Trì. Ngày 14/11/2008, Cục sở hữu trí tuệ cấp văn bằng bảo hộ nhãn hiệu tập thể cho thương hiệu “Gạo Long Trì – Tam Dương”. Năm 2008, Hội sản xuất gạo Long Trì thị trấn Hợp Hoà, huyện Tam Dương ra đời do ông Nguyễn Như ý làm chủ tịch. Hội sản xuất gạo tuyên truyền cho nông dân kỹ thuật canh tác, khuyên bà con khi trồng lúa đặc sản đại trà phải hạn chế dùng phân hóa học, không lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật. Nhờ hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và tăng cường bón phân EM-Bokashi nên chất lượng gạo ngày càng được cải thiện, đồng thời khi chế biến gạo ít gãy, không bị bạc bụng và duy trì được mùi thơm rất lâu. Từ vụ mùa 2010, bà con nông dân Long Trì đã đưa vào thử nghiệm chế phẩm của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT), đến vụ chiêm 2011 đã triển khai sử dụng đại trà loại chế phẩm này. Chế phẩm nông nghiệp không độc hại, dùng thay thế hoàn toàn thuốc bảo vệ thực vật và phân hóa học, mỗi vụ phun 4 đợt, chi phí 80.000đ/sào Bắc Bộ. Khi lúa chín, nông dân thu hoạch đảm bảo độ chín 85% hạt lúa trên cây. Khi phơi thóc phải đánh luống (như luống khoai lang), để khô từ từ khoảng 20 ngày trong 5 nắng, mỗi nắng cách nhau 4 ngày. Kỵ nhất là phơi một hai nắng quá nỏ (phơi mỏng trong điều kiện nhiệt độ rất cao), hạt gạo sẽ giòn và gãy, chất lượng giảm sút nhiều.
Để mở rộng quy mô sản xuất, tiết kiệm nhân công và nâng cao chất lượng hạt gạo, Hội sản xuất gạo đã chi 120 triệu đồng mua một chiếc máy gặt đập, đầu tư hàng trăm triệu đồng cho dây truyền xay xát gạo hiện đại. Hội mua máy ép túi nilon (bao bì) chạy điện giúp cho gạo được bảo quản tốt hơn, mua máy in logo, địa chỉ, ngày sản xuất trên vỏ bao bì để người tiêu dùng biết được xuất sứ và hạn dùng của sản phẩm. Bên cạnh đó, Hội còn mang gạo Long Trì đi trưng bày tại nhiều hội chợ để người tiêu dùng biết đến như: Hội trợ Aiport Thái Nguyên năm 2007; hội chợ Techmart Lạng Sơn năm 2008; festival lúa gạo lần thứ nhất tại Hậu Giang năm 2009, tại đây, các ông: Bùi Bá Bổng – Thứ trưởng Thường trực Bộ NN&PTNT, ông Lê Văn Bảnh – Viện trưởng Viện Lúa đồng bằng sông Cửu Long, chuyên gia Nguyễn Lân Hùng khi ăn cơm gạo Long Trì đều khen thơm ngon và khô cơm (không nhão như gạo đặc sản của một số địa phương khác) nên ăn không chán;…Qua những hội chợ này, người tiêu dùng được biết đến và đánh giá rất cao gạo Long Trì.
Nhờ sự giúp đỡ của chính quyền địa phương, sự cộng tác của các nhà khoa học, sự tích cực của Hội sản xuất gạo Long Trì, những nguồn gen quý hiếm được nghiên cứu, cho ra đời và đưa vào sản xuất hàng loạt những giống lúa mới: Hương thơm số 1, XT27, LT2, T10, TH3-3, gần đây nhất là QR1 và VS1. Những giống này trồng trên đồng Long Trì đều có những ưu điểm là gạo đều, ít tấm, khi xay xát không gãy, hạt gạo trắng trong, nhỏ, bóng, có mùi thơm. Gạo được nấu thành cơm không dính, hạt cơm rất dẻo, dai, vị đậm, thơm nhẹ đặc trưng, khác biệt với bất kỳ loại gạo nào khác (tất cả những đặc tính trên của gạo Long Trì đều được Bộ KH&CN thử nghiệm và xác minh). Đặc biệt, cơm nấu hôm trước để đến hôm sau vẫn dẻo, mềm. Cơm gạo Long Trì mà ăn với quả trám đen chấm tương hoặc muối vừng sẽ làm tăng cảm giác ngon miệng bởi vị béo pha chút hương thơm khó lẫn. Trước đây, người dân đang ăn gạo Khang Dân, Q5 (cơm cứng, gạo không thơm) nên khi chuyển sang ăn cơm gạo đặc sản thấy rất ngon miệng, hạt cơm trắng ngần, dẻo, mùi thơm nhè nhẹ đưa lên mũi, càng nhai càng cảm nhận được vị đậm. Có nhiều người mua gạo Long Trì về ăn thử một vài bữa, rồi thành ra nghiện thứ gạo ấy. Không có hương thơm nhè nhẹ của nó thì bữa cơm không ngon. Do vậy nhiều tư thương ở các địa phương khác, cả trong tỉnh, ngoài tỉnh đã tìm về để hợp đồng tiêu thụ sản phẩm.
Năm 2006, khi mới trồng thử nghiệm trên cánh đồng xóm Bầu – Long Trì, diện tích vùng gạo đặc sản chỉ 1ha, rồi 3ha, 150ha, đến vụ chiêm xuân năm 2011 là 215ha và vẫn tiếp tục được mở rộng. Giá trị của gạo Long Trì được người tiêu dùng công nhận và ngày càng được đánh giá cao. Trước đây khi mới khôi phục vùng sản xuất gạo, giá chỉ 10.000đ/kg, dần dần tăng lên 15.000đ/kg và hiện nay là 20.000đ/kg. Giá thóc là khoảng 1.400.000đ/tạ, trong khi gạo khang dân khoảng 900.000đ/tạ. Tuy nhiên, gạo Long Trì vẫn chỉ được tiêu thụ dưới hình thức bán lẻ, chưa có những đơn đặt hàng lớn, ổn định. Các siêu thị đều đánh giá cao chất lượng gạo và chấp nhận giá thành nhưng họ chưa thể nhập để bày bán vì sản phẩm chưa có mã vạch. Dự kiến khoảng cuối tháng 5 đến đầu tháng 6/2011 Bộ KH&CN sẽ cấp mã vạch cho sản phẩm gạo đặc sản Long Trì, có nghĩa là trong tương lai không xa ngày càng nhiều khách hàng sẽ có cơ hội thưởng thức thứ gạo thơm ngon nổi tiếng này.
Từ xa xưa cho đến hiện nay, từ những cô hàng xáo cho đến người tiêu dùng gần xa đều ưa chuộng mà dành cho gạo Long Trì những lời nhận xét: “Chưa vào đến môi đã trôi đến họng”. Đó là ghi nhận cho sự kết tinh giữa nắng gió thiên nhiên và bàn tay, trí tuệ của con người vùng đất này. Với tình yêu quê hương, yêu hạt gạo thơm ngon, chắc chắn những người dân nơi đây sẽ tiếp tục làm cho hương gạo Long Trì bay xa đến được với nhiều người tiêu dùng hơn nữa./.
Trọng lượng | 5 kg |
---|