Trong đời sống người dân tộc Sán Dìu của tỉnh Vĩnh Phúc, xôi đen là một món ăn không thể thiếu trong mỗi dịp Tết Thanh Minh.
Xôi đen thường được làm từ 2 nguyên liệu chính: Gạo nếp và lá cây sau sau. Cây sau sau là một loại cây thân gỗ thường mọc trên núi cao. Thân cây thẳng, cao khoảng 10 m. Lá cây sau sau có mùi thơm dịu nhẹ. Để làm được món xôi đen người dân thường chọn thời điểm vào khoảng tháng 2, tháng 3 âm lịch để hái vì đây là thời điểm cây sau sau phát triển tốt nhất.
Cây sau sau
Sau khi hái về, người dân thường chọn ra những lá tốt nhất, đủ tiêu chuẩn nhất (thường là lá bánh tẻ có màu đen bóng). Lá được băm nhỏ, giã đều tay cho nát rồi đem phơi. Sau đó đem ngâm với nước khoảng 1 ngày để loại bỏ hết nhựa.
Gạo dùng để làm xôi thường là gạo nếp ngon (loại nếp cái hoa vàng). Sau khi loại bỏ những hạt không đủ tiêu chuẩn, đem gạo đi vo sạch rồi ngâm với nước lá khoảng 12 tiếng cho đến khi gạo có màu xanh thẫm.
Lưu ý: Thời gian ngâm càng lâu thì khi đồ xôi sẽ có được xôi dẻo và mềm.
Khâu cuối cùng là đổ gạo vào nồi, đồ lên khoảng 1 tiếng là chín. Xôi đen đạt tiêu chuẩn phải có màu đen bóng, xôi dẻo và có mùi thơm của lá sau sau.
Lưu ý: Khi làm xôi, pha một lượng nước vừa đủ, nếu cho ít lá, xôi sẽ nhạt màu.
Xôi đen
Xôi đen là món ăn có nhiều công dụng: Dễ tiêu, chữa bệnh đau đầu, rất phù hợp với người ốm yếu da xanh do sốt rét rừng. Ngoài ra, xôi đen còn có tác dụng bổ máu.
Xôi đen để được lâu vẫn dẻo và thơm. Có thể dùng làm thức ăn dự trữ đi đường hoặc làm món ăn khi đi rừng sâu rất gọn và tiện lợi.
Vào mỗi dịp Tết Thanh Minh, xôi đen là món ăn không thể thiếu của người dân tộc Sán Dìu ở tỉnh Vĩnh Phúc. Đây là món ăn thể hiện cho tấm lòng thành kính và hiếu thảo của con cháu dâng lên tổ tiên. Qua đó, cầu mong tổ tiên phù hộ cho một năm mới sẽ có nhiều sức khỏe, mùa màng bội thu, cuộc sống gia đình hạnh phúc, bình an. Món ăn này là món ăn đặc trưng của đồng bào dân tộc Sán Dìu đã góp phần giữ gìn nét đẹp văn hóa truyền thống của địa phương./.